Quốc hội Hà Lan thông qua việc tăng thuế đối với người nước ngoài
Bắt đầu từ tháng 1 năm 2024, Hà Lan dự kiến sẽ tăng thuế đối với người nước ngoài có tay nghề cao. Được Hạ viện Hà Lan thông qua, luật mới đề xuất hạn chế mức thuế ưu đãi giảm 30% thuế đối với lao động nước ngoài có tay nghề cao trong thời gian 5 năm. Chế độ thuế này từng được biết đến với cái tên “chương trình 30%”.
Dự luật hiện cần sự chấp thuận của Thượng viện, dự kiến bỏ phiếu vào cuối tháng 12, trước khi được thông qua.
Với dự luật này, các nhà lập pháp Hà Lan đặt mục tiêu tăng nguồn thu từ thuế vì các mục tiêu quan trọng của quốc gia. Chuyên gia luật Jeroen Maas tại công ty luật Delissen Martens chia sẻ: “Quốc hội quyết định loại bỏ giới hạn thuế 30% đối với người nước ngoài, nhằm tạo thêm nguồn lực cho các mục tiêu khác như giảm lãi suất cho các khoản vay dành cho sinh viên”.
Những thay đổi đối với chương trình thuế 30% ở Hà Lan là gì?
Luật mới có quy định duy trì mức thu nhập miễn thuế 30% cho người lao động nước ngoài trong 20 tháng đầu tiên làm việc tại nước này. Sau đó, tỷ lệ thu nhập miễn thuế sẽ giảm xuống 20% trong 20 tháng tiếp theo và sau đó lại giảm xuống 10% trong 20 tháng còn lại.
Chương trình 30% được áp dụng cho người nước ngoài kiếm được ít nhất 56.000 euro một năm, trong khi người nước ngoài dưới 30 tuổi có bằng thạc sĩ có thể nộp đơn nếu họ kiếm được 43.000 euro trở lên.
Trước khi dự luật về thay đổi ưu đãi thuế có hiệu lực, sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp cho những người đang tham gia chương trình thuế 30% cũ. Tuy nhiên, các điều khoản về giai đoạn chuyển tiếp này vẫn chưa được hoàn thiện đầy đủ. Hiện, người ta đang đưa ra giới hạn lương tối đa là 223.000 euro mỗi năm. Tức là những người nhận được ưu đãi thuế sẽ có mức lương trong khoảng 56.000 – 223.000 euro/năm
Ngoài ra, ứng viên phải chứng minh được kiến thức chuyên môn trong một lĩnh vực khan hiếm nhân lực trong hơn 16 tháng trước khi bắt đầu làm việc ở Hà Lan.
Trong bối cảnh thiếu hụt kỹ năng ngày càng tăng ở các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới, dự luật có thể có tác động tiêu cực đến khả năng thu hút người di cư có tay nghề của Hà Lan khi được ban hành.
Maas cảnh báo: “Quyết định này chắc chắn có thể phản tác dụng nếu nó khiến người nước ngoài không chuyển đến Hà Lan hoặc thậm chí dẫn đến việc các công ty nước ngoài rời khỏi Hà Lan”.
Tại sao Hà Lan giảm ưu đãi thuế cho người nước ngoài?
Các hạn chế đối với chương trình này bắt đầu vào năm 2019, khi chương trình 30% trở nên kém hấp dẫn hơn bằng cách giảm thời gian miễn thuế một phần cho người nước ngoài từ 8 năm xuống còn 5 năm.
Được triển khai sau Thế chiến thứ hai, chương trình này ban đầu tập trung vào việc thu hút các công ty và lao động có tay nghề của Hoa Kỳ, đặc biệt là những chuyên ngành đang thiếu hụt đến Hà Lan. Sau đó, người dân địa phương nhận thấy chương trình này không hiệu quả vì nó chỉ đo lường sự đóng góp của người nước ngoài cho nền kinh tế dựa trên các con số thu nhập chứ không phải một chỉ số chính xác.
Hệ lụy của chương trình này là mang lại cho người nước ngoài nhiều thu nhập hơn. Họ có thể chuyển số tiền này sang các khoản đầu tư khác bao gồm bất động sản.
Maas tiết lộ: “Chương trình ưu đãi thuế đã trở nên không được lòng người dân Hà Lan do ảnh hưởng đến thị trường nhà đất”.
Đánh thuế người nước ngoài có phải là xu hướng hiện nay ở châu Âu?
Hà Lan là quốc gia mới nhất ở châu Âu xem xét tăng thuế đối với người nước ngoài.
Trong vài tuần qua, Bồ Đào Nha đã công bố ý định tiến tới loại bỏ chế độ thuế NHR (chế độ thuế ưu đãi cho người nước ngoài), vốn được coi là điểm thu hút lớn đối với những người du mục và doanh nhân kỹ thuật số. Chính phủ Bồ Đào Nha tuyên bố sẽ đề xuất sửa đổi luật vào năm 2024, với lý do thật bất công khi người dân địa phương phải trả mức thuế bình thường trong khi người nước ngoài được hưởng ưu đãi.
Mới tuần trước, chính phủ Ý cũng theo bước Bồ Đào Nha, đề xuất sửa đổi luật ‘Lavoratori Impatriati’, giúp người nước ngoài và người Ý từ nước ngoài về nước được giảm thuế trong thời gian lên tới 10 năm. Chính phủ ở đó đang đề xuất hạn chế giảm thuế xuống 50% thu nhập thay vì 70% đến 90% như hiện nay.
Xem thêm: Top 5 quốc gia EU hấp dẫn nhất với thuế thấp và thời tiết nắng đẹp